Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

Content, content, content

<Brandshistory> Người ta cứ nói về “Content” thay vì bàn thảo về những vấn đề thực sự của thương hiệu. Và tôi cho rằng đó thực sự là một vấn đề lớn, một sự thiếu khôn ngoan mới diễn ra gần đây trong ngành quảng cáo. Tôi là Dave Trott.
Content, content, content

Gần đây, tôi được mời tham dự một cuộc thảo luận bàn tròn với các nhân sự cấp cao trong ngành quảng cáo.
Nhiều người trong số họ là nhà xuất bản tạp chí, các công ty truyền thông, các agency quảng cáo.
Chúng tôi thảo luận những điều chúng tôi nghĩ về “tương lai của content”.
Chúng tôi lần lượt đưa ra các ý kiến.
Tôi nói: trước khi trả lời, tôi muốn biết “content” đã từng là gì.
Tôi cứ hay nghe mọi người bàn luận về content, nhưng tôi vẫn chưa thấy ai định nghĩa về nó. Vậy thì content là gì?
Khi mọi người lên tiếng, tôi vẫn không thể hiểu thêm chút nào.
Tác giả Dave Trott. Ảnh: Aalasdairs Ideas
Không ai định nghĩa được content. Có vẻ như việc định nghĩa về content không quan trọng bằng việc cứ lặp đi lặp lại về chữ “Content” để cho thấy rằng nó quan trọng: chẳng hạn như content creative, content curation, content marketing, branded content, sponsored content, relevant content, engaging content, mass-market content, specialist content, digital content, promoted content.
Và rồi tôi dần nhận ra rằng, việc định nghĩa content thật sự là gì lại không hề quan trọng.
Content chỉ được xem như một thứ gì đó.
Một thứ để được lấp đầy vào các khoảng trống.
Hãy suy nghĩ về một chiếc xe tải.
Một chiếc xe tải bao gồm bánh xe, động cơ và cabin. Và một không gian rộng lớn phía sau để lấp đầy hàng hóa.
Việc bạn lấp đầy cái gì không quan trọng, chiếc xe tải vẫn được xem như hệ thống chuyển tải.
Xe tải vẫn sẽ làm công việc chuyển tải dù bạn đặt bất cứ “content” nào đằng sau.
Content bây giờ chỉ là thứ gì đó để lắp đầy không gian, hệ thống truyền tải mới là quan trọng, chứ không phải content. Và đó là sự chuyển dịch lớn đang diễn ra trong ngành.
Dù nó là vật dụng nội thất, rau củ quả, xi măng hay những tấm gỗ thì cũng không quan trọng.
Tất cả chỉ là việc content có được truyền tải hay không.
Và giả sử một người nào đó phát minh ra những chiếc xe tải hoàn toàn mới, với những hệ thống chuyển tải mới.
Các hệ thống mới có thể giúp nội dung của bạn được truyền tải nhanh hơn, tiết kiệm hơn, và hiệu quả hơn.
Và rồi bỗng nhiên bạn nhận ra rằng, dù content là gì, thì công nghệ mới trên chiếc xe tải kia mới là thứ thú vị.
Và đó chính là vấn đề tôi gặp phải với từ “content”.
“Việc content là gì không quan trọng”.
Content bây giờ chỉ là thứ gì đó để lắp đầy không gian, hệ thống truyền tải mới là quan trọng, chứ không phải content.
Và đó là sự chuyển dịch lớn đang diễn ra trong ngành.
Content có thể chỉ là một từ, nhưng nó phải thể hiện được sự chuyển dịch hoàn toàn.
Trước đây, việc quan trọng nhất là giải quyết các vấn đề kinh doanh.
Sau đó tìm ra những giải pháp mà marketing có thể giải quyết cho vấn đề đó.
Và rồi sử dụng quảng cáo để truyền tải giải pháp đó một cách có sức ảnh hưởng nhất.
Đó là ý tưởng lớn có thể thay đổi thói quen.
Hệ thống truyền tải giúp mang ý tưởng đến đúng đối tượng.
Nhưng điều quan trọng là ý tưởng.
Content, content, content
Nói một cách đơn giản hơn, đó là: ý tưởng trước, và truyền tải sau.
Nhưng khi đánh giá thấp vai trò của ý tưởng so với content, thì nó lại trở nên ít quan trọng hơn nhiều.
Khi đó, hệ thống truyền tải phải được ưu tiên trước ý tưởng, và trước content.
Bạn thấy đấy, sự thay đổi về vai trò (giữa ý tưởng và content) thể hiện sự thay đổi hoàn toàn trong cách tiếp cận về mặt kinh doanh.
Sợ là mình đã sai, tôi đã tra từ điển thử:
“Content (noun): là mọi thứ nằm bên trong một cái gì đó; nội dung của một chiếc hộp.”
Như vậy, khi nói làm content là chúng ta đang kinh doanh vận tải.
Đó là điều xảy ra với những gì mà chúng ta từng gọi là “ý tưởng”.
Ý tưởng đã trở thành một thứ gì đó nằm trong chiếc hộp, gọi là “content”.
Nó có thể là bất cứ thứ gì, nó không quan trọng.
Với suy nghĩ đó, chúng ta cùng quay lại với câu hỏi trước đó: “Bạn thấy như thế nào về tương lai của content: Một thứ không quan trọng được truyền tải bằng hệ thống mới, hiệu quả và thú vị?”
Dave Trott, Former Chairman và ECD của The Gate London, là một copyriter, blogger, và tác giả. Cuốn sách gần đây nhất của ông mang tên One Plus One Equals Three (tạm dịch: Một cộng một bằng ba)
 Theo: Dave Trott / Brands Vietnam
 Nguồn: Campaign Asia

LG cải tổ tìm lại thời vàng son

Sau khi có thông tin LG sẽ là nhà cung cấp màn hình OLED cho Apple trong tương lai, LG đã quyết định nâng mức tổng đầu tư, dồn toàn lực vào mảng kinh doanh này giúp vực dậy tình hình kinh doanh ảm đạm thời gian qua.

LG cải tổ tìm lại thời vàng son

Công ty LG Display thuộc Tập đoàn công nghệ điện tử LG, Hàn Quốc, vừa công bố thông tin sẽ đầu tư hơn 10.000 tỷ won (khoảng 8,71 tỷ USD) xây dựng nhà máy sản xuất tấm nền màn hình sử dụng công nghệ OLED. Theo tờ Nikkei Asian Review của Nhật Bản, việc xây dựng nhà máy của LG nhằm phục vụ cho cả việc sản xuất màn hình OLED cho mẫu iPhone của Apple vào năm 2018.

Trong kế hoạch đầu tư trên, LG dành 1.840 tỷ won (khoảng 1,6 tỷ USD) để xây dựng nhà máy sản xuất màn hình OLED có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Nhà máy sản xuất mới có tên gọi P10, được xây dựng tại tỉnh Paju.

Nhà máy sẽ sản xuất toàn bộ màn hình cho mọi phân khúc thiết bị từ màn hình lớn cho tivi đến các màn hình OLED linh hoạt cho các thiết bị điện tử như đồng hồ thông minh, smartphone, màn hình hiển thị tự động. Dự kiến, lô màn hình đầu tiên do nhà máy sản xuất sẽ xuất xưởng vào năm 2018. Số tiền còn lại sẽ được dùng để sản xuất, nghiên cứu công nghệ màn hình mới.

LG Display hiện đang là mảng kinh doanh đem lại lợi nhuận cao nhất cho LG Electronics, trong khi mảng kinh doanh thiết bị di động vẫn đang thua lỗ. Trước đó vào tháng 7, LG Display tuyên bố sẽ đầu tư 900 triệu USD để phát triển công nghệ màn hình OLED trong 2 năm tới. Tuy nhiên, sau khi có thông tin LG sẽ là nhà cung cấp màn hình OLED cho Apple trong tương lai, LG đã quyết định nâng mức tổng đầu tư, dồn toàn lực vào mảng kinh doanh này giúp vực dậy tình hình kinh doanh ảm đạm thời gian qua.

Cũng trong kế hoạch tái cơ cấu công ty sau khi báo cáo tài chính mới nhất quý III-2015 chỉ ra những kết quả không như mong đợi, LG đã quyết định cải tổ mạnh mẽ trong đội ngũ lãnh đạo.

Cụ thể, trong 1 ngày LG Electronics ra quyết định bổ nhiệm cùng lúc 3 chức vụ CEO quản lý. Phó Chủ tịch và CEO hiện tại, ông Bon-Joon Koo rời ghế giữ vị trí mới tại Tập đoàn mẹ LG. 3 vị giám đốc điều hành mới sẽ đảm nhiệm các mảng kinh doanh độc lập của công ty. Trong đó, ông Jo Seong-jin giữ chức Chủ tịch và CEO mảng thiết bị gia dụng. Ông Juno Cho giữ chức Chủ tịch và CEO của mảng di động. Ông David Jung giữ chức chủ tịch và CFO (giám đốc tài chính).

Ông David Jung sẽ đảm nhiệm vị trí giám đốc quản trị kinh doanh của tập đoàn. LG cho biết đợt tái cơ cấu này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 12-2015, sau đó sẽ tiếp tục được đánh giá và thông qua tại cuộc gặp các cổ đông năm 2016.

Ngay sau quyết định bổ nhiệm, các nhà đầu tư đã kỳ vọng 3 vị CEO mới sẽ giúp các mảng kinh doanh của công ty độc lập hơn, những mảng kinh doanh đang phát triển mạnh sẽ không bị kìm kẹp bởi các mảng kinh doanh yếu kém khác. Đồng thời, các nhân sự lãnh đạo có thể đưa ra những quyết định nhanh chóng để bắt kịp xu hướng của thị trường và từ đó vực dậy tình hình kinh doanh của công ty.

Theo báo cáo tài chính mới nhất của LG, mảng kinh doanh đem lại lợi nhuận cao nhất là tivi, trong khi mảng smartphone lại gây nhiều thất vọng khi vẫn thua lỗ. Mặc dù LG vừa mới ra mắt 2 chiếc smartphone cao cấp G4 và V10 để cạnh tranh với Apple, Samsung. Cụ thể, trong quý III, doanh thu của LG đạt 12 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận đạt 251,5 triệu USD.

Trong đó, mảng thiết bị điện tử dân dụng tăng trưởng mạnh nhất, giúp LG thu về lợi nhuận 210 triệu USD, tăng 420% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ phận tivi, loa và các thiết bị giải trí tăng khoảng 9%, tổng doanh thu 3,67 tỷ USD.


Theo Đức Giang
Sài Gòn đầu tư

Goodyear – Thương hiệu lãnh đạo

<brandshistory> Một người đàn ông tên Charles Goodyear ở thế kỷ 19 đã phát minh ra quá trình lưu hóa cao su. 

Goodyear – Thương hiệu lãnh đạo

Đó là một quá trình phức tạp nhằm chuyển hóa cao su thành một thứ có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau và đương nhiên, một trong những mục đích đó là vỏ xe.Ngoài ra, ông còn chế tạo ra ủng và trang phục (nón, áo khoác và cà vạt) làm từ cao su.

Mặc dù quá trình lưu hóa cao su là một trong những phát minh đột phá mang đậm dấu ấn công nghệ và thương mại quan trọng của thế kỷ 19, nhưng Goodyear, một trong những Homer Simpson của lịch sử, lại bị trì hoãn việc cấp bằng sáng chế. Ông đã nhiều lần lui tới các cơ quan thẩm quyền để khiếu nại, nhằm ngăn chặn các doanh nghiệp lợi dụng phát minh của ông. Thậm chí đến mãi năm 1860, Goodyear qua đời trong khốn khó mà vẫn chưa kịp hưởng chút lợi lộc gì từ thành quả đột phá của chính mình.

Mãi đến bốn mươi năm sau, Frank Seiberling mới ghi nhận thành quả của Goodyear bằng cách dùng tên ông này đặt cho công ty của mình – công ty Vỏ xe và Cao su Goodyear ra đời từ đó. Sự phát triển của công ty này hoàn toàn thuận lợi chứ không khốn khó như cuộc đời của vị anh hùng mà nó mang tên. Ba năm sau khi thành lập, năm 1901, công ty này giành được hợp đồng cung cấp vỏ xe cho Henry Ford. Goodyear dần lớn mạnh thành một thương hiệu vỏ xe hàng đầu với những hợp đồng cung cấp cho nhiều hãng sản xuất xe hơi khác nhau.

Sự trường tồn. Goodyear xây dựng uy tín qua tuổi thọ của mình – một danh tiếng đã tồn tại qua hơn 100 năm.
Sự vượt trội. Các chiến dịch quảng cáo của Goodyear luôn quảng bá về một thực tế, họ là một thương hiệu vỏ xe hàng đầu của thế giới với câu khẩu hiệu: “Nhà sản xuất số một về vỏ xe”. Là thương hiệu hàng đầu cũng có nghĩa là chất lượng của họ phải vượt trội hơn hẳn trong tâm trí người tiêu dùng, và sự thật là ngày càng có nhiều người mua vỏ xe của Goodyear

Marvel vs DC Comics: Trận chiến của những siêu anh hùng

Bất kể là thương hiệu nào, Marvel hay DC Comics đều có một sự thu hút riêng đối với người tiêu dùng và khán giả.


Marvel vs DC Comics: Trận chiến của những siêu anh hùng

Kể từ thập niên 30, hai hãng Marvel và DC Comics đã là đối thủ của nhau trong mảng kinh doanh truyện tranh, sau đó lan sang lĩnh vực trò chơi điện tử và bây giờ thậm chí là phim ảnh.
Hàng loạt những bộ phim bom tấn như The Dark Knight (DC), The Avengers (Marvel) hay Guardians của Galaxy (Marvel) đã liên tục phá vỡ kỷ lục doanh thu chiếu rạp.
Điều này cho thấy những bộ phim siêu anh hùng chuyển thể từ truyện tranh có sức hấp dẫn mãnh liệt với khán giả, kể cả những người không biết nhiều về truyện tranh.
Mặc dù vậy, hiện nhiều người đôi khi vẫn nhầm lẫn giữa DC và Marvel khi xem các bộ phim siêu anh hùng của họ.
Cơ cấu hoạt động
Công ty Marvel được sáng lập vào năm 1939 với cái tên Time Publications bởi ông Martin Goodman. Hãng Marvel Studio chỉ là một công ty con của Marvel Entertainment. Từ năm 2009 khi công ty Walt Disney mua lại Marvel Entertainment, hãng phim Disney đã có thể sử dụng tất cả những ấn phẩm của Marvel, bao gồm những hình ảnh in trên sản phẩm tiêu dùng, truyền hình, nhằm nâng cao lợi nhuận của công ty.
Trong khi đó, hãng DC Entertainment được sáng lập bởi Malcolm Wheeler-Nicholson với cái tên ban đầu là National Allied Publications vào năm 1935. Sau đó, DC sáp nhập và trở thành một bộ phận thuộc công ty sản xuất phim Time Warner vào năm 1989.
Do hãng DC không phải là một công ty sản xuất phim độc lập với Time Warner nên không thể toàn lực quảng bá cho những bộ phim của mình. Trái ngược lại, hoạt động của Marvel tách biệt với Disney nên công ty này có thể sử dụng tất cả nguồn lực để marketing cho bộ phim của mình.
 Guardian of The Galaxy
Guardian of The Galaxy
Trên phim ảnh
Trong những bộ phim của DC, các siêu anh hùng như Người dơi (Batman) hay Siêu nhân (Superman) đều mang trách nhiệm bảo về loài người hoặc trái đất. Trong bộ ba phim Người dơi nổi tiếng của đạo diễn Christopher Nolan, nhân vật chính được khắc họa âm u nhất trong số những hình ảnh siêu anh hùng trước đây của DC. Khán giả cũng dễ dàng thấy được ẩn ý chính trị đằng sau series phim Người dơi của đạo diễn Nolan.
Tuy nhiên, những bộ phim của Marvel lại nhẹ nhàng hơn. Các siêu anh hùng trong phim của Marvel thường là người tốt và đem lại hy vọng cho những người xung quanh, mặc dù những anh hùng này hay được khắc họa một tích cách hoang tàn phá cách như Người sắt (Iron Man) hay Chúa tể các vì sao (Star Lord).
Những nhân vật chính của Marvel thường vui tính và có những cảnh hài hước trong phim. Thậm chí nhân vật Đội trưởng Mỹ (Captain America), một siêu anh hùng khá nghiêm túc và căm ghét cái ác, cũng không bao giờ đối xử quá tàn nhẫn với kẻ thù của mình.
Hiện phim ảnh đang là lĩnh vực được hai hãng DC lẫn Marvel coi trọng cũng như cạnh tranh khá gay gắt. Từ nay đến năm 2019, cả hai hãng dự kiến sẽ trình chiếu khoảng 25 bộ phim siêu anh hùng.
 Batman: The Dark Knight
Batman: The Dark Knight
Truyền hình
Trước những lợi nhuận khổng lồ từ mảng phim ảnh, cả 2 đối thủ Marvel lẫn DC đều đang mở rộng kinh doanh sang mảng truyền hình. Hãng Marvel đã hợp tác với đài ABC để sản xuất bộ phim dài tập S.H.I.E.L.D cũng như Agent Carter, nói về các đặc vụ trong The Avengers. Một siêu anh hùng khác là Daredevil cũng được hãng làm lại từ bộ phim năm 2003 để đưa lên truyền hình.
Không kém cạnh, DC cũng có 3 bộ phim chủ lực trên sóng truyền hình là Gotham (nói về người dơi), Arrow và The Flash. Mới đây, hãng cũng đã đưa nhân vật Cô gái Siêu nhân (Super Girl) lên mà ảnh nhỏ, làm lại từ bộ phim năm 1984.

 Daredevil
Daredevil
Mảng trò chơi
Lĩnh vực trò chơi, bao gồm cả trò chơi trực tuyến hay không trực tuyến, là mảng kinh doanh khá thành công của cả Marvel và DC. Những hợp đồng cấp phép thương hiệu cho trò chơi không chỉ khiến 2 công ty này thu được nhiều lợi nhuận mà còn thu hút được thêm một lượng lớn người hâm mộ trên toàn thế giới.
Nếu xét về tổng thế, hãng DC nhỉnh hơn Marvel trong mảng trò chơi. Những trò chơi về siêu anh hùng được DC ra mắt lần đầu vào năm 1979 trong khi Marvel là năm 1982. Ngoài ra, phong cách xây dựng trò chơi của 2 công ty cũng khác nhau khi DC thường cho người chơi điều khiển 1 anh hùng chiến đấu thì Marvel lại có những tựa game cho phép người chơi điều khiển 1 nhóm người hoặc chơi theo nhóm, như trong The Fantastic Four: Rise of the Silver Surfer.
 Spiderman
Spiderman
Những sản phẩm đi kèm
Các sản phẩm có in ấn hay liên quan đến siêu anh hùng của DC và Marvel được bày bán cho khách hàng cũng có phong cách riêng. Do các siêu anh hùng của DC thường mang tính sử thi, thần thoại nên những sản phẩm của công ty, áo phông, túi hay đồ lưu niệm, thường có màu sắc và kiểu dáng bắt mắt, mang tính hùng vĩ.
Trái ngược lại, những sản phẩm của Marvel thường có màu tối hơn và cũng mang nhiều ẩn ý hơn. Những nhân vật của Marvel thường phải là con người hoặc mang hơi hướng loài người chứ không quá đa dạng như DC. Vì vậy, màu sắc và phong cách của sản phẩm Marvel thường chứa yếu tố bí ẩn.
Đối với những người không quan tâm nhiều đến truyện tranh, các ấn phẩm của Marvel và DC có thể trông giống hệt nhau. Tuy nhiên, nếu người đọc quan sát kỹ, màu sắc truyện tranh cũng như các sản phẩm liên quan của DC và Marvel là khá khác nhau. Dù vậy, bất kể là thương hiệu nào, mỗi công ty cũng có một sự thu hút riêng đối với người tiêu dùng và khán giả.

 The Avengers
The Avengers
Cốt truyện
Hãng Marvel có một thế giới siêu anh hùng được lên kết trong cả mảng truyện tranh cũng như trên phim. Dự án thế giới anh hùng của Marvel trên phim ảnh được bắt đầu vào năm 2008 với bộ phim Người sắt I.
Sau đó, siêu anh hùng này kết hợp với các anh hùng khác như Người khổng lồ xanh (Hulk), Đội trưởng Mỹ và Thần Sấm (Thor) để xuất hiện trong bộ phim bom tấn The Avengers vào năm 2012. Trong khoảng thời gian đó, hàng loạt những anh hùng trong bộ phim đã được hãng Marvel làm thành một bộ phim riêng lẻ để ăn theo và quảng bá cho dự án The Avengers.
Trước động thái trên của Marvel, hãng DC cũng muốn xây dựng một thế giới siêu anh hùng trên phim như đối thủ. Bắt đầu bằng bộ phim truyền hình dài tập Mũi tên xanh (Green Arrow), hãng DC bắt đầu xây dựng những bộ phim xoay quanh các tuyến nhân vật siêu anh hùng của mình. Sắp tới, Warner Bros sẽ ra mắt bộ phim Người dơi đại chiến Siêu nhân (Batman v Superman: Dawn of Justice) và Biệt đội Cảm tử (Suicide Squad-nói về những kẻ thù của Batman) nhằm nỗ lực thực hiện dự án thế giới siêu anh hùng của DC.
 Batman vs Superman
Batman vs Superman
Thành công về tài chính
Hãng DC đã có thành công rực rỡ với bộ 3 phim Người dơi của đạo diễn Nolan khi thu về 2,5 tỷ USD trong khoảng 2005-2012. Đây cũng là nền mõng cho DC thực hiện các dự án phim siêu anh hùng sau này.
Tuy nhiên, một số bộ phim anh hùng của hãng lại không được thành công như mong đợi, bao gồm Người mèo (Cat Woman), Jonah Hex và Watchmen. Bộ phim Cat Woman chỉ đem về cho DC 82,1 triệu USD còn Jonah Hex đem lại 10,9 triệu USD.
Trong khi đó, Marvel lại đạt được nhiều thành công liên tiếp với đề tài anh hùng cứu thế giới của mình. Bộ phim Người sắt năm 2008 đã thu về hơn 585 triệu USD và diễn viên chính Robert Downey Jr là người được trả lương cao nhất trong ngành vào năm 2014 nhờ loạt phim này.
Ngoài ra, Guardian of the Galaxy cũng đem về 94 triệu USD và trở thành bộ phim có doanh thu trong tháng ra mắt cao nhất tại Bắc Mỹ. Những bộ phim khác như Thor đem về 449,3 triệu USD, còn The Avengers đem lại 1,5 tỷ USD và Avengers: Age of Ultron có doanh thu 1,36 tỷ USD tính đến cuối tháng 10/2015.
 Ironman
Ironman
Hiện Marvel đã có kế hoạch chi tiết về các bộ phim siêu anh hùng của mình sẽ ra rạp từ nay đến 2018. Sai Người kiến (Ant Man), phần 3 của Đội trưởng Mỹ sẽ được trình chiếu vào năm 2016 và Người nhện (Spider Man) vào năm 2018.
Hãng DC cũng không kém cạnh khi có Batman v Superman: Dawn of Justice và Biệt đội Cảm tử (Suicide Aquad) vào năm 2016. Công ty cũng đang trong quá trình chuẩn bị cho 2 siêu anh hùng là Wonder Woman và Aquaman lên màn ảnh.
Đồng thời, hãng cũng đang dự kiến xây dựng dự án Justice League, một nhóm các siêu anh hùng bảo vệ chính nghĩa và là đối trọng cho dự án The Avengers của Marvel.
Hoàng Nam
Theo Trí Thức Trẻ

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

Cuộc đua khốc liệt giữa P&G và Unilever: Kẻ thu hẹp, người mở rộng

Procter & Gamble (P&G) là tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới với tổng doanh thu năm 2014 đạt 80 tỷ USD và khoảng 200 nhãn hiệu. Trong khi đó, công ty Unilever đứng ngay sau P&G với doanh thu 57 tỷ USD và 400 nhãn hiệu.
Cuộc đua khốc liệt giữa P&G và Unilever: Kẻ thu hẹp, người mở rộng

Cả hai doanh nghiệp này hoạt động chủ yếu trong mảng sản phẩm tiêu dùng cá nhân và gia đình. Tuy nhiên, hãng Unilever còn tham gia kinh doanh trong ngành thực phẩm và giải khát, còn P&G lại dần rút lui khỏi mảng kinh doanh này từ năm 2011.
Hiện tại, chiến lược kinh doanh của hai tập đoàn lớn này trong ngành sản xuất hàng tiêu dùng có vẻ đang trái ngược khi P&G đặt mục tiêu giảm số thương hiệu mà hãng nắm giữ xuống 100 trong năm nay, còn Unilever lại muốn tăng số nhãn hàng mà hãng sở hữu.
Rõ ràng, tập đoàn P&G đang trong quá trình tái cơ cấu sau nhiều năm mở rộng và thu hẹp số thương hiệu sản phẩm. Trái ngược lại, Unilever lại đang tăng cường mở rộng kinh doanh nhằm bắt kịp vị trí số 1 của đối thủ truyền kiếp trong ngành.

P&G: Lý thuyết Pareto

Theo lý thuyết Pareto, 80% doanh thu của công ty thường đến từ 20% dòng sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp. Năm 2014, tập đoàn P&G đã được trải nghiệm lý thuyết này khi 80 trong 200 nhãn hàng của họ đem lại 86% doanh số và hơn 95% lợi nhuận.
Trước tình hình khoảng 100-120 thương hiệu sản phẩm không đem lại nhiều lợi nhuận cho P&G, công ty đã thực hiện chương trình “củng cố thương hiệu” để thoát khỏi tình trạng này.
Theo đó, tập đoàn đã bán, sáp nhập hoặc phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) nhằm thu hẹp số thương hiệu sản phẩm mà hãng nắm giữ. Tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng số 1 thế giới này cho biết sẽ cố gắng hoàn thành chương trình củng cố thương hiệu trong năm nay và sẽ tập trung vào những nhãn hàng đem lại nhiều lợi nhuận cũng như có tiềm năng phát triển nhất.
Chương trình củng cố thương hiệu này của P&G không phải là động thái cắt giảm cấu trúc hoạt động hay tái cơ cấu tăng trưởng và lợi nhuận. Theo nhiều chuyên gia, quyết định này của P&G sẽ chỉ khiến doanh số của công ty suy giảm khoảng 14% nhưng lại giải phóng được nguồn lực từ những thương hiệu sản phẩm này.
Quan trọng hơn, kế hoạch này của P&G sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận do tập đoàn không còn phải chịu gánh nặng từ những thương hiệu hoạt động không hiệu quả nữa.
Theo dự kiến, P&G cuối cùng thực tế sẽ chỉ sở hữu 65 nhãn hiệu hoạt động trong 10 loại sản phẩm.
Theo dự kiến, công ty cuối cùng thực tế sẽ chỉ sở hữu 65 nhãn hiệu hoạt động trong 10 loại sản phẩm. Tập đoàn tuyên bố rằng họ là doanh nghiệp đứng đầu về thương hiệu của 7 trong 10 loại sản phẩm trên và đứng thứ 2 về 3 loại còn lại.
Ngoài ra, công ty cũng sẽ đủ khả năng để tập trung phát triển thị trường theo phân khúc vị trí địa lý. Tập đoàn P&G dự đoán 5 thị trường đứng đầu của mỗi loại sản phẩm trên sẽ đem lại 54-98% lợi nhuận cho công ty trong phân khúc kinh doanh đó.
Rõ ràng, tập đoàn P&G có kế hoạch tập trung vào những thế mạnh của mình, đó là vị thế đứng đầu tại các thị trường và khu vực. Kế hoạch cải tổ của P&G nếu kết hợp với vị trí số 1 tại nhiều thị trường dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của công ty.
Như vậy, chiến lược của P&G thời điểm hiện nay không phải là cắt giảm quy mô như nhiều lo ngại của nhà đầu tư mà là tập trung vào những thế mạnh cốt lõi để thúc đẩy tăng trưởng doanh thu cũng như lợi nhuận.

Unilever: Tái cơ cấu mảng kinh doanh cốt lõi

Giám đốc điều hành Paul Polman của Unilever đã tuyên bố vào năm 2014 rằng công ty đang nhắm đến các thương hiệu sản phẩm chăm sóc sắc đẹp và có khả năng mua lại những ngãn hàng này, đặc biệt là những sản phẩm thuộc dòng cao cấp.

Trước đó, báo cáo hoạt động kinh doanh của Unilever cũng cho thấy công ty đang sử dụng khoản tài chính thu được từ mảng kinh doanh thực phẩm để tài trợ cho việc mở rộng lĩnh vực sản phẩm chăm sóc sắc đẹp.
Trong báo cáo cuối năm 2014, ông Polman cũng cho biết các hoạt động sáp nhập và mua lại mảng kinh doanh sản phẩm chăm sóc sắc đẹp là một trong những ưu tiên hàng đầu của Unilever năm 2015.
Rõ ràng, Unilever đang có tham vọng bắt kịp vị trí số 1 của đối thủ P&G, hiện đang là một trong những công ty đứng đầu trong mảng kinh doanh chăm sóc sắc đẹp.
Trong năm 2014, Unilever không có thương vụ sáp nhập lớn nào tại mảng chăm sóc sức khỏe cá nhân và thị phần lĩnh vực sản phẩm chăm sóc tóc và da của hãng đã bị suy giảm. Tuy nhiên, đầu năm 2015, tập đoàn đã thực hiện 3 vụ mua lại và sáp nhập (M&A) và nhiều chuyên gia dự đoán Unilever sẽ còn tiếp tục các thương vụ M&A trong năm 2015.
Đầu năm 2015, Unilever đã thực hiện 3 vụ mua lại và sáp nhập, nhiều chuyên gia dự đoán tập đoàn sẽ còn tiếp tục các thương vụ M&A trong năm 2015.
Tuy nhiên, động thái mở rộng kinh doanh mảng chăm sóc cá nhân của Unilever đi cùng với quyết định suy giảm hoạt động của hãng này khỏi mảng thực phẩm và giải khát. Trong năm 2014, Unilever đã bán 7 thương hiệu sản phẩm có tăng trưởng chậm và cho biết những nhãn hàng không cốt lõi của công ty sẽ được tách ra thành một doanh nghiệp hoạt động riêng.
Giám đốc điều hành Polman cũng tuyên bố rằng tập đoàn sẽ tập trung vào những hoạt động kinh doanh cốt lõi, đồng thời tái cơ cấu danh mục đầu tư vào các thương hiệu.
Những tuyên bố trên cho thấy việc mở rộng cấu trúc hoạt động kinh doanh là một mục tiêu quan trọng của Unilever nhưng tái cơ cấu và tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi có ưu tiên cao hơn.
Phân khúc kinh doanh thực phẩm đã đem lại mức lợi nhuận trước thuế khả quan cho Unilever nhưng tăng trưởng doanh thu của công ty lại giảm tốc những năm gần đây. Nhiều chuyên gia cho rằng phân khúc kinh doanh thực phẩm đang bị dịch chuyển dần khỏi mảng kinh doanh cốt lõi của Unilever và tập đoàn đang chuyển trọng tâm sang mảng mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc sắc đẹp cao cấp.
Nếu so sánh P&G và Unilever, dù chiến lược của 2 tập đoàn này không giống nhau nhưng mục tiêu chung đều là thúc đẩy tăng trưởng và lợi nhuận. Trong khi P&G cắt giảm số thương hiệu sản phẩm của mình thì Unilever tái cơ cấu mảng kinh doanh cốt lõi, hay nói cách khác, dù chiến lược có khác biệt nhưng phương hướng của 2 nhà sản xuất sản phẩm tiêu dùng hàng đầu thế giới này đều giống nhau.
 Theo: Hoàng Nam
 Nguồn: Trí thức trẻ

Samsung vs LG: Từ tình bạn, tình sui gia, đến kẻ thù không đội trời chung

Tại hội chợ công nghệ diễn ra ở Berlin, Đức vào năm ngoái xảy ra một vụ việc đáng xấu hổ. Theo đó, Samsung đã buộc tội giám đốc mảng thiết bị gia đình của LG phá huỷ hàng loạt máy giặt cao cấp của hãng được trưng bày tại đây với mức giá 2.700 USD mỗi chiếc.
Samsung vs LG: Từ tình bạn, tình sui gia, đến kẻ thù không đội trời chung

Phía Samsung chỉ ra tên đích danh của lãnh đạo LG là ông Jo Seong-jin. Tuy vậy thông qua người phát ngôn, ông Jo từ chối lời buộc tội này và khẳng định máy giặt hỏng là do Samsung thiết kế cửa lồng giặt quá yếu. Vụ việc sau đó đã được giải quyết ổn thoả nhưng sự thật thì mối thâm thù giữa hai tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc này vẫn âm ỉ cháy suốt gần nửa thế kỷ qua.
Hai tập đoàn này luôn rượt đuổi nhau không ngừng trên thị trường quốc tế với những sản phẩm như ti vi, tủ lạnh, điện thoại thông minh…
Tại quê nhà Hàn Quốc, thậm chí cuộc chiến giữa Samsung và LG còn trở nên khốc liệt hơn rất nhiều. Cả 2 luôn dùng mọi cách để có thể vượt qua nhau, thường xuyên tuyên bố sản phẩm mới và tìm câu trả lời xem ai là người bán nhiều thiết bị hơn hay ai đánh cắp bí mật công nghệ của bên còn lại. Cho tới bây giờ, thậm chí cuộc đấu giữa Samsung và LG không dừng lại việc "xưng vương" ở Hàn Quốc, mà là cả châu Á và thế giới.
Tính đến thời điểm hiện tại, Samsung có phần "nhỉnh hơn" khi là chaebol lớn nhất Hàn Quốc với doanh thu năm 2014 đạt 206,2 nghìn tỷ won (tương đương 171 tỷ USD), chiếm tới 17% tổng GDP Hàn Quốc.
Trong khi đó, LG hiện đứng thứ 4 trong top 5 chaebol của Hàn Quốc và theo số liệu của Ủy ban Thương mại Tự do Hàn Quốc, trong năm 2014, 3 mảng kinh doanh điện tử, hóa chất và viễn thông của LG mang về doanh thu 116 nghìn tỷ won (104 tỷ USD). Còn theo người phát ngôn của LG Group, doanh thu của tập đoàn này trong năm 2014 là 150 nghìn tỷ won (136 tỷ USD).

Tình bạn, tình sui gia

Vào năm 1938, ông Lee Byung-chull lập ra một công ty thương mại ở tỉnh Gyeongsang, cũng là quê hương ông, và đặt tên nó là Samsung. Tuy nhiên, sau chiến tranh với Nhật Bản, ông Lee gần như mất tất cả. Với số vốn ít ỏi còn lại, ông lập ra một công ty tinh luyện đường mang tên Sugar BC.
Trong khi đó, nhà sáng lập LG, Koo In-hwoi cũng sinh ra tại Gyeongsang. Sau khi thành công tương đối ở việc kinh doanh hàng khô và nhập khẩu, ông mở công ty mỹ phẩm Luk Hai - chuyên sản xuất kem "Lucky" vào năm 1947.
Đến năm 1958, ông tiếp tục thành lập Goldstar - gốc rễ hình thành nên LG Electronics sau này. Goldstar nổi tiếng với chiếc A-501, thiết bị radio gia đình đầu tiên của Hàn Quốc. Có thể nhận thấy, LG đã đi trước Samsung một bước khi tiến vào thị trường điện tử.
Vốn cùng quê, 2 nhà sáng lập Byung-chull và In-hwoi có mối quan hệ bạn bè khá thân thiết và tôn trọng lẫn nhau. Thậm chí, 2 vị này còn học tiểu học cùng nhau và đặc biệt khi lớn lên, họ có quan hệ thông gia khi con gái thứ hai của ông Byung-chull kết hôn với con trai thứ ba của ông In-hwoi. Sau khi trở thành vợ chồng, con trai của ông In-hwoi đã về làm cho Samsung một thời gian.
Nhà sáng lập Samsung (bên trái) và Nhà sáng lập LG (bên phải)

Đại chiến giữa các vì sao

Nói như vậy là bởi, chữ Samsung trong tiếng Hàn Quốc có nghĩa là "ba ngôi sao", còn nguyên gốc của chữ "G" trong LG có nghĩa là "Goldstar" - "ngôi sao vàng". Đây được coi là 2 đại diện ưu tú, 2 ngôi sao sáng bậc nhất trên bầu trời Hàn Quốc.
Với vị thế là người đi trước đón đầu trong lĩnh vực điện tử, LG đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ chính phủ và nhờ vậy, họ đã phát triển rất vững mạnh. Mọi chuyện bắt đầu nảy sinh khi nhà sáng lập Samsung cũng nhận thấy được tiềm năng lớn và quyết định dấn thân vào lĩnh vực này.
Theo lời kể lại của con trai ông Lee thì nhà sáng lập của Samsung đã gặp trực tiếp ông Koo để thông báo kế hoạch tấn công vào thị trường điện tử. Dĩ nhiên ông Koo đón nhận thông tin này với một thái độ không mấy dễ chịu bởi trước đó họ từng có cam kết ngầm không bao giờ nhảy vào lĩnh vực của nhau. Nhà sáng lập LG thậm chí đã lớn tiếng quát mắng vị thông gia. Ngược lại, ông Lee cũng bất ngờ trước phản ứng của ông Koo và bỏ về.
Kể từ đó, hai nhà lãnh đạo LG và Samsung không bao giờ thân thiết trở lại nữa. Ngay sau vụ việc, con trai của ông Koo (và cũng là con rể của ông Lee) nhanh chóng rời khỏi Samsung.

Khác biệt của 2 nền văn hoá

Những tài liệu ghi lại cho thấy gia đình của ông Koo rất tôn sùng Nho giáo – loại tôn giáo truyền thống của Triều Tiên. Điều này khiến cho nền văn hóa doanh nghiệp của LG, đến tận bây giờ vẫn bị cho là "cổ hủ" so với các chaebol khác. Ví dụ điển hình là việc LG tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc "trao ngôi cho con trưởng".
Koo Cha-kyung, con trai trưởng của ông In-hwoi, kế thừa ngôi vị chủ tịch của cha, và sau đó cũng trao lại ngôi vị này cho con trai trưởng của mình, Koo Bon-Moo. Ông Bon-Moo không có con trai, và bởi vậy đã nhận cháu ruột của mình làm con nuôi – và vị này đang được kỳ vọng sẽ kế nghiệp tại LG trong tương lai.
Cho tới bây giờ, thậm chí cuộc đấu giữa Samsung và LG không dừng lại việc "xưng vương" ở Hàn Quốc, mà là cả châu Á và thế giới.
Trong khi đó, Samsung lại tuân thủ theo văn hoá "cân nhắc tất cả các lựa chọn rồi mới đi đến quyết định".
Minh chứng rõ ràng nhất cho văn hóa này là lựa chọn kế nhiệm của nhà sáng lập Samsung: Ông lựa chọn con trai thứ ba - Lee Kun-Hee làm người kế nghiệp. Và thật may mắn, chính quyết định này đã mang vinh quang về cho Samsung. Thời gian đó, LG vẫn dẫn đầu trong mảng điện tử và hoá chất tuy nhiên, dưới sự dẫn dắt của người con trai thứ 3 Lee Kun-hee, Samsung đã có sự tăng tốc thần kỳ.
Trước sức ép từ không chỉ từ Samsung mà từ nhiều đối thủ khác, một lần nữa, dưới thời kỳ cai trị của thế hệ thứ 2 là ông Koo Cha-kyung, LG lại đi tiên phong trong việc tuân thủ triết lý "chất lượng trên số lượng”. Thậm chí, vị chủ tịch này còn trực tiếp thuyết giảng triết lý này tới đông đảo người tiêu dùng.
Song, Samsung cũng không hề kém cạnh. Chủ tịch Lee Kun-Hee đã nhanh chóng "học hỏi" và mang thông điệp này tới người tiêu dùng. Hơn nữa, Samsung còn biết cách để làm cho người khác chú ý tới mình hơn. Cụ thể, trong một buổi nói chuyện với truyền thông, chủ tịch Lee gọi các thiếu sót trên sản phẩm là "các khối u". Đến năm 1995, ông Lee thậm chí còn không ngần ngại ra lệnh tiêu hủy 150.000 mẫu điện thoại di động lỗi ngay trước cửa nhà máy để thể hiện quan điểm mạnh mẽ của mình.

Chiến thắng nhờ “cái đầu lạnh”

Lịch sử Samsung ghi nhận cột mốc quan trọng vào năm 1983 khi chủ tịch công ty Lee Byung-chull tuyên bố họ sẽ tham gia vào lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn. Rất nhiều người cho rằng đây là hành động quá “liều lĩnh” trong bối cảnh các ông lớn Nhật Bản như NEC, Toshiba và Hitachi là những tên tuổi số 1 thế giới về chip nhớ. Ngay cả các tập đoàn lớn của Mỹ như Motorola, Texas Instruments hay National Semiconductor cũng phải chịu cúi đầu trước Nhật Bản.
Tuy nhiên, với những thành tựu gồm sản xuất thành công chip nhớ DRAM 64KB, 256KB và RAM 4MB… Samsung đã lần lượt vượt qua các đối thủ và trở thành nhà sản xuất chip nhớ số 1 thế giới, và cho đến nay họ vẫn vững vàng trên ngôi vị này.
Hai mẫu điện thoại thông minh của LG và Samsung
Trong khi đó, dù chỉ bước sau Samsung 1 bước trong cuộc đua chip bán dẫn nhưng may mắn đã không mỉm cười với LG. Tới năm 1997, trong khuôn khổ chương trình tái cơ cấu do chính phủ Hàn Quốc, LG buộc phải bán lại mảng chip bán dẫn của mình cho Hyundai. Và như vậy, họ đã mất đi vũ khí quan trọng để đối đầu với Samsung.
Ngoài chip bán dẫn, LG và Samsung còn rượt đuổi nhau trong cuộc đua thiết kế màn hình ti vi và điện thoại di động.
Dù Samsung là người tiến quân ra thị trường Mỹ và châu Âu trước nhưng LG mới là người đạt được thành tựu "khủng" với siêu phẩm "điện thoại socola" vào năm 2005. Sản phẩm này đã rất được ưa chuộng tại thị trường Mỹ. Thời gian đó, cả Samsung và LG đã cùng nhanh chóng đuổi kịp Nokia - hãng điện thoại đến từ Phần Lan.
Tuy nhiên, với sự tập trung cao độ và đặc biệt đổi mới không ngừng nghỉ về thiết kế, một lần nữa may mắn lại mỉm cười với Samsung khi công ty này trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn thứ 2 thế giới (thống kê năm 2006) và LG khiêm tốn nằm ở vị trí thứ 5. Hiện tại, khoảng cách này càng được nới rộng hơn khi Samsung leo lên ngôi vị là nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới về doanh số bán hàng (lượng điện thoại được bán ra trong Q1/2014 là 93,15 triệu chiếc) và LG vẫn giậm chân tại vị trí số 5 (lượng điện thoại bán ra trong Q1/2014 là 11,74 triệu chiếc).

Tương lai phía trước

Từ xa xưa người Hàn Quốc đã có câu: "Những kẻ đánh nhau thì thường giống nhau". Với trường hợp của LG và Samsung cũng vậy. Cả 2 đã cùng tạo dựng nên một câu chuyện dài trong quá khứ, tuy nhiên chắc chắn xứ Kim Chi đã rất khác nếu không có sự tồn tại của họ.
Cho đến nay, người ta vẫn chưa thể kết luận được kẻ thắng và người thua cuộc. Tuy nhiên, bản thân LG và Samsung cũng từng thừa nhận rằng cuộc chiến kéo dài gần nửa thế kỷ đã khiến họ "kiệt sức". Chặng đường phía trước của cả 2 công ty chắc chắn sẽ còn rất nhiều điều thú vị.
 Nguồn: Trí thức trẻ

Puma vs adidas: Mối hận thù trăm năm giữa 2 người anh em ruột thịt

Puma và adidas luôn được biết đến là những thương hiệu thời trang thể thao hàng đầu thế giới. Hiện tại, với doanh thu đạt 3,6 tỷ euro trong năm 2014 so với con số 14,8 tỷ euro trong năm 2014 của adidas, Puma dường như đang "đuối sức" hơn so với người anh em, đồng thời là đối thủ cạnh tranh trong trận chiến này.
Puma vs adidas: Mối hận thù trăm năm giữa 2 người anh em ruột thịt

Trên thực tế, mối thâm thù giữa 2 doanh nghiệp này vẫn cháy âm ỉ kể từ khi thành lập cho tới tận bây giờ. Trong gần 70 năm qua, người dân ở Herzogenaurach, Đức, đã và đang sống trong cuộc nội chiến giữa thương hiệu giày adidas và Puma.
Người dân ở phía nam con sông sử dụng giày adidas với logo 3 đường sọc và không hề có bóng dáng một người mang giày Puma. Người dân ở phía Bắc con sông cũng có cách cư xử tương tự, nhưng lòng trung thành của họ hướng tới Puma.
Thị trấn Herzogenaurach, Đức
Cho tới tận bây giờ, người ta vẫn chưa thể biết nguyên nhân chính xác dẫn đến mối thâm thù dai dẳng giữa 2 đại gia đồ thể thao kể trên. Chỉ biết rằng, câu chuyện bắt đầu từ thập niên 1920, khi 2 anh em trở thành đối tác làm ăn tại công ty Dassler Brother Sports Shoe Company. Họ đã cùng thành lập nên công ty từ căn phòng giặt ủi của mẹ ở thị trấn nhỏ Herzogenaurach (Đức).
Cá tính 2 người hầu như trái ngược nhau. Adolf (Adi) Dassler trầm lặng, ít nói. Anh phụ trách khâu thiết kế và làm ra các đôi giày. Còn người anh Rudolph (Rudi) lại rất nóng nảy, phụ trách kinh doanh. Họ đã chiêu dụ được vận động viên chạy nước rút người Mỹ gốc Phi Jesse Owens mang giày của họ khi hoàn thành chặng đua và giành 4 huy chương vàng tại Thế Vận hội Olympic năm 1936. Chiến thắng của Owens đã mở đường cho thương hiệu giày của 2 anh em ra thế giới. Và doanh số bán của Công ty Dassler từ đó đã tăng vụt.
Cũng từ thời điểm này giữa 2 anh em xảy ra nhiều mâu thuẫn. Bên cạnh đó, nhiều nguồn tin cho biết việc Rudolph và vợ của Adolf đã có mối quan hệ vụng trộm và bị phát hiện đã khiến mối thâm thù này trở nên cao trào.
Đến năm 1948, 2 anh em chính thức chia tách làm đôi: Adi đặt tên công ty là adidas, ghép các ký tự đầu trong tên và họ của mình và Rudi cũng làm như thế. Mới đầu anh đặt tên công ty là “Ruda” nhưng cuối cùng lại đổi thành tên "Puma".Trong quá trình chia tách, nhân viên công ty được tự do chọn lựa về phe nào.
Kết quả của việc này đó là khiến thị trấn nhỏ bé Herzogenaurach bị chia tách làm đôi. Lý do là bởi hầu như mọi cư dân ở đây hoặc là làm cho adidas hoặc là Puma.
Cuộc chiến này còn trở nên trớ trêu đến mức các doanh nghiệp, người buôn bán ở địa phương chỉ được “chơi” với hoặc người của Puma hoặc adidas. Các cuộc hẹn hò hay cưới xin giữa nhân viên ở 2 công ty cũng bị nghiêm cấm.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người nhìn nhận trận chiến này theo những khía cạnh tích cực. Chẳng hạn, sự phát triển mạnh mẽ của cả hai thương hiệu adidas và Puma đã biến nơi đây thành một địa điểm nổi tiếng, không chỉ về phát triển kinh tế mà còn về văn hóa kinh doanh. Một người dân chia sẻ: “Không có mâu thuẫn ấy, chúng tôi không thể trở thành quê hương của hai thương hiệu mang tính toàn cầu”.
Cả 2 công ty cứ trong thế giằng co như vậy trong suốt gần 70 năm qua. Mặc dù Rudi thuyết phục được đội ngũ nhân viên kinh doanh giỏi nhưng Adi lại nắm trong tay bí quyết công nghệ và quan hệ tốt với các vận động viên. Chính những người này giúp adidas giành được nhiều hợp đồng.
Tuy nhiên, thật đáng tiếc do quá lo cạnh tranh với nhau mà cả adidas và Puma đã bỏ quên một đối thủ đáng gờm là Nike. Rốt cuộc, Nike cứ âm thầm tiến lên và hiện họ là thương hiệu thể thao hàng đầu thế giới với vốn hóa thị trường 86 tỷ USD.

Những dấu hiệu "làm hoà"

Phải tới nhiều năm sau khi 2 nhà sáng lập Puma và adidas mất, cuộc chiến kéo dài gần 1 thế kỷ giữa 2 công ty mới bắt đầu tạm lắng. Cụ thể, ngày 21/09/2009, 2 công ty đã đồng ý gác lại quá khứ và tổ chức một trận bóng đá giao hữu cùng nhau.
Thậm chí, Ông Hacker - thị trưởng Herzogenaurach cũng tham dự cuộc vui này với một đôi giày đặc biệt - mỗi chiếc giày mang một thương hiệu khác nhau.
 Theo: Vân Đàm
 Nguồn: Trí thức trẻ

Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

Honda - giá trị bền vững

Người Canada thích những sản phẩm có thể hoạt động ngon lành. Họ cần những chiếc xe hơi có thể hoạt động trong những buổi sáng lạnh giá. Họ muốn những chiếc cano hoạt động được ngay sau cái giật máy. Hiểu được nhu cầu đó, Honda với các sản phẩm của mình đã vượt qua các nhãn hiệu khác, mang đến cho người Canada điều mà họ cần nhất: sự tin cậy.


Honda - giá trị bền vững

THỊ TRƯỜNG

Canada là một vùng đất rộng lớn kéo dài đến tận chân trời và trải rộng ra khắp bốn phương, với những hồ nước nằm rải rác, và những thành phố chỉ là những chấm nhỏ nối liền bằng các tuyến giao thông.

{film}iz0xECa9qTg{/film}
Không có một nhãn hiệu nào có nhiều dòng sản phẩm như Honda. Đã có nhiều phương tiện chuyên chở được chế tạo với tất cả những kiểu dáng phù hợp với địa hình của Canada mang nhãn hiệu Honda như: xe ôtô, xe tải, xe gắn máy, các loại xe địa hình và động cơ thủy lực. Thêm vào đó là sự có mặt của một dòng sản phẩm về thiết bị năng lượng để phù hợp với miền đất này trong khoảng thời gian mà những người Canada còn chưa nhảy vào cuộc.

Những sản phẩm tiêu biểu nhất của Honda luôn có khả năng đoán trước được nhu cầu của người tiêu thụ và thỏa mãn nhu cầu của họ thông qua những sản phẩm tiên phong. Đối với người Canada thì họ lại thích một đặc điểm trên hết: họ thích những sản phẩm có thể hoạt động ngon lành. Họ cần những chiếc xe hơi có thể hoạt động trong những buổi sáng lạnh giá. Họ muốn những chiếc cano hoạt động được ngay sau cái giật máy. Và họ không muốn bỏ thời gian vô ích vào những thiết bị không thể hoạt động tốt. Hiểu được nhu cầu đó, Honda với các sản phẩm của mình đã vượt qua các nhãn hiệu khác, mang đến cho người Canadađiều mà họ cần nhất: sự tin cậy.

THÀNH TỰU ĐẠT ĐƯỢC

Trong những năm qua, Honda đã có nhiều giai đoạn sáng chói ở Canada bao gồm các giải thưởng của Hiệp Hội các nhà phóng viên về xe ôtô ở Canada (AJAC). Giải gần đây bao gồm những chiếc xe của AJAC  trong năm trao bởi Civic Seddan/Couple và chiếc xe thể thao mới đẹp nhất trong năm trao bởi Civic Si, giải của Civic Hybrid về năng lượng thay thế AJAC mới và tốt nhất cũng như giải xe tải Canada AJAC trong năm trao bởi Ridgeline.

Nhưng có lẽ Civic chính là thành công vang dội nhất của Honda ở Canada. Có một mối quan hệ rất đặc biệt giữa người Canada và Civic. Điều này có lẽ bắt nguồn từ đặc điểm của chiếc xe. Giống như người Canada, Civic cũng có bản chất thực của nó, thêm vào đó là giá cả phải chăng. Civic còn mang đến những tiện ích cho người sử dụng nó: an toàn, tiết kiệm năng lượng, kiểu dáng và vận hành linh hoạt, chiếc xe còn mang đến niềm vui cho người lái nó.

Vì vậy điều đó thật dễ hiểu khi người Canada đón nhận civic một cách nồng nhiệt. Đến nỗi nó đã là loại xe được bán nhiều nhất trong tám năm liên tiếp; hơn một chiếc được bán khi được giới thiệu lần đầu tiên. Với sức mạnh của Civic và những thành tựu khác, Honda gần đây đã trở thành một trong những công ty sản xuất ô tô lớn thứ ba ở Canada.

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

Trong những năm ở Nhật, Honda là công ty địa phương với tầm nhìn quốc tế. Ngược lại, ngày nay Honda là một công ty quốc tế với tầm nhìn đại phương. Triết lý của Honda là “địa phương hóa” với ý nghĩa là mang sản phẩm thích hợp cho từng đối tượng khách hàng. Điều này cho phép công ty trở thành một phần cộng đồng nơi mà các sản phẩm Honda được sử dụng. Nó giúp Honda sản xuất từng mặt hàng đáp ứng nhu cầu và điều kiện của từng địa phương. Những điển hình của việc “địa phương hóa” là phiên bản xe gắn máy Canada TRX400 và TRX500 phù hợp với mọi địa hình. Sau một cuộc nghiên cứu rộng lớn, cách mà người Canada lái chiếc ATV khác hẳn với những nơi khác trên thế giới. Những chiếc xe của họ cứng cáp hơn, bền hơn và thực ra người Canada sử dụng công suất xe nhiều hơn. Cho nên Honda đã thiết kế những phiên bản xe ATV với hai hệ thống phuộc nhún đặc biệt cải tiến, và những kiểu này chỉ có ở Canada. Sự quan tâm vào việc làm hài lòng khách hàng ở mức độ địa phương đã giúp Honda có một địa vị tín nhiệm ở Canada như ngày hôm nay.

CÁC SỰ KIỆN CỦA HONDA Ở CANADA

Honda - giá trị bền vững
1969: công ty của Honda ở Canada được thành lập. Những hoạt động ban đầu bao gồm việc bán, phân phối xe gắn máy, các thiết bị năng lượng và một ít xe ô tô.

1973: Civic ra mắt thị trường

1976: Accord được tung ra ở Canada

1986: Công ty của Honda mở một công ty sản xuất ô tô ở Allision, Ontaro.

1999: Công ty thứ hai được mở để tăng năng suất sản phẩm.

2000: Honda Insight, sản phẩm kết hợp giữa năng lượng- điện tử của Bắc Mỹ được tung ra thị trường Canada.

2001: Hai triệu chiếc xe mang nhãn hiệu Honda được bán ở Canada.

2005: Honda ra mắt thế giới đầu tiên về sản phẩm túi hơi trên xe gắn máy.

2006: Civic chế tạo tại Canada nhận giải chiếc xe trong năm của Motor Trend và xe tải Canada của AJAC trong năm.

Ridgeline được chế tạo tại Canada nhận giải xe hơi trong năm của Motor Trend và xe tải Canada của AJAC  trong năm.

Civic và Ridgeline nhận giải xe ô tô, xe tải Bắc Mỹ trong năm.

SẢN PHẨM

Cho dù đó là một chiếc xe hơi, động cơ thủy lực hay thiết bị năng lượng, chủ trương của sản phẩm Honda là sự tín nhiệm. Bên cạnh đó sản phẩm của Honda còn có một điểm mạnh khác đó chính là sự tiên phong của nó.

Nguồn superbrand