Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

Airbus và Boeing: Cuộc chiến giành bầu trời bất phân thắng bại

Airbus và Boeing là 2 hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới hiện nay. Tầm ảnh hưởng quá lớn của cả 2 tập đoàn này đôi khi khiến các khách hàng gặp khó khăn trong việc chọn lựa.
Airbus và Boeing: Cuộc chiến giành bầu trời bất phân thắng bại

Tại Châu Âu, các công ty sản xuất máy bay trước năm 1970 thường là những công ty đơn lẻ, có sáng tạo về công nghệ nhưng chưa có hoạt động kinh doanh mang tính quốc tế.
Đến thập niên 60, các hãng sản xuất máy bay Châu Âu bắt đầu nhận ra sự đe dọa từ đối thủ Mỹ và nhu cầu hợp tác giữa các doanh nghiệp này ngày càng tăng. Ngày 18/12/1970, Tập đoàn Airbus chính thức được thành lập với sự hợp tác của 3 nước Pháp, Đức và Anh. Công ty Aerospatiale của Pháp và Deutsche Airbus của Đức mỗi bên nắm giữ 50% cổ phần của tập đoàn.
Trong khi đó, lịch sử hình thành của Boeing bắt đầu từ tháng 3/1910 bởi nhà sáng lập William E.Boeing khi ông mua một xưởng đóng tàu nhỏ tại Seattle-Mỹ làm nhà máy sản xuất máy bay đầu tiên của mình.
William E.Boeing
William E.Boeing
Tuy nhiên, công ty Boeing chỉ chính thức được thành lập vào ngày 9/5/1917. Sau nhiều năm phát triển, sáp nhập và mua lại với những hãng sản xuất máy bay khác nhau, hãng Boeing đã trở thành một trong 2 nhà sãn xuất máy bay dân dụng lớn nhất thế giới.

Cuộc chiến giữa 2 ông lớn

Cuộc đối đầu giữa Airbus và Boeing bắt đầu từ thập niên 90 sau khi nhiều cuộc sáp nhập và mua lại của các công ty sản xuất máy bay. Trong khi tập đoàn Airbus dần trở thành hãng sản xuất máy bay hàng đầu Châu Âu thì Boeing cũng trở nên nổi tiếng tại Mỹ.
Những công ty sản xuất máy bay khác như Lockheed Martin, Convair của Mỹ hay British Aerospace và Fokker của Châu Âu đều không đủ sức cạnh tranh trong ngành sản xuất máy bay dân dụng nữa và buộc phải rút khỏi lĩnh vực này.
Cả 2 hãng Airbus và Boeing đều sản xuất nhiều loại máy báy dân dụng khác nhau, đa dạng về cả tải trọng lần tầm bay. Tuy nhiên, hai tập đoàn này hiếm khi sản xuất một loại máy bay cùng tải trọng và tầm bay.
Trên thế giới hiện nay, hầu hết các hãng hàng không đều thuộc sở hữu của nhà nước nên cả Boeing và Airbus đều thuê ngoài sản xuất những phụ tùng, linh kiện lắp ráp máy bay của họ nhằm cắt giảm chi phí và tận dụng những cơ hội thương mại đi kèm.
Ví dụ, Boeing có mối liên hệ kinh doanh mật thiết với hãng Mitsubishi Heavy Industries và Kawasaki Heavy Industries của Nhật Bản trong việc sản xuất linh kiện máy bay. Động thái này của Boeing đã giúp hãng có ảnh hưởng chi phối trong ngành máy bay vận tải ở Nhật Bản.
Trong khi đó, do là được thành lập từ nhiều hãng sản xuất máy bay ở Châu Âu nên Airbus không có nhiều lựa chọn ngoài thuê sản xuất linh kiện tại những nước trong khu vực này. Tuy nhiên, tập đoàn này cũng đã mở một nhà máy sản xuất linh kiện tại Trung Quốc vào năm 2009 cho dòng máy báy A320.
Bên cạnh đó, hãng Airbus luôn muốn sử dụng công nghệ như là một thế mạnh nhằm cạnh tranh với đối thủ Boeing trên thị trường. Vào thập niên 70, hãng Airbus cho ra mắt dòng máy bay A300 có sử dụng vật liệu tổng hợp, loại vật liệu chưa từng được dùng trong ngành sản xuất máy bay dân dụng. Đến thập niên 80, Airbus lại giới thiệu hệ thống điều hành không dây (FBW) mới lần đầu tiên xuất hiện trong ngành máy bay dân dụng.
Hiện cả Boeing và Airbus đang cạnh tranh nhau về thị phần tại Trung Quốc và đều đang có những cải tiến về trọng lượng máy bay và hiệu quả sử dụng nhiên liệu.
Trong lĩnh vực động cơ máy bay, cuộc chiến Airbus và Boeing đã khiến các hãng sản xuất động cơ được hưởng lợi.
Thông thường, các hãng sản xuất may bay thường muốn có ít nhất 2 lựa chọn cho động cơ máy bay. Tuy nhiên, những nhà sản xuất động cơ máy bay lớn như General Electric, Rolls Royce hay Pratt&Whitney lại muốn được trở thành nhà cung cấp duy nhất. Cuộc cạnh tranh giữa Airbus và Boeing đã gián tiếp khiến các hãng sản xuất động cơ máy bay này thường đạt được ưu thế mà họ mong muốn.
Nhiều dòng máy bay của cả 2 hãng như Boeing 737-300, Airbus A340-500&600, Airbus A350XWB, Boeing 747-8 đều chỉ sử dụng một loại động cơ duy nhất không thể thay thế.
Tuy nhiên, hai sản phẩm mới nhất của Airbus và Boeing là A380 và Boeing 787 Dreamliner đều có thể sử dụng 2 loại động cơ khác nhau.
Một khía cạnh nữa liên quan đến cuộc chiến của Airbus và Boeing là tỷ giá. Do là một công ty có trụ sở tại Mỹ nên hầu hết các máy bay của Boeing đều được định giá bằng đồng USD. Điều này dẫn đến tình trạng chi phí sản xuất cũng như giá bán của hãng gặp bất lợi hơn Airbus khi giá đồng USD tăng so với Euro thời gian qua.
Trong khi đó, hãng Airbus dù cũng bán sản phẩm bằng đồng USD nhưng có chính sách linh hoạt hơn. Một số thương vụ mua bán máy bay tại Châu Á và Trung Đông thậm chí được giao dịch bằng các loại ngoại tệ khác nhau.
Mặc dù vậy, do biến động tỷ giá thời gian gần đây cũng như độ trễ giữa thời gian ký hợp đồng và thời gian giao hàng, Airbus và Boeing đều có thể kiếm thêm lợi nhuận hoặc bị thua lỗ sau các thương vụ.
Ngoài ra, nói đến máy bay dân dụng thì an toàn là vấn đề khá quan trọng và cả Airbus lẫn Boeing đều có những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về độ bảo hiểm cho máy bay mà họ sản xuất ra. Tuy nhiên, cả 2 tập đoàn đều tránh so sánh về mức độ an toàn với đổi thủ khi bán sản phẩm.
Cuối cùng, giá cả của máy bay là lĩnh vực mà Airbus và Boeing cạnh tranh gay gắt nhất nhằm mở rộng thị phần. Bảng giá đưa ra bởi 2 hãng sản xuất máy bay trên thường không chính xác bởi công ty có thể bán dưới mức giá chào để lấy được hợp đồng.

Bất phân thắng bại

Xét theo doanh thu toàn cầu năm 2014, Boeing vượt qua Airbus để trở thành hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới, nhưng mức chênh lệch là không quá nhiều. Nếu tính trong nửa đầu năm 2015, hãng Boeing có tổng doanh thu 46,69 tỷ USD, tính cả lĩnh vực sản xuất máy bay chiến đấu, trong khi Airbus chỉ thu về 28,89 tỷ USD.
Tuy nhiên, xét theo số hợp đồng giao máy bay thì có vẻ Airbus nhỉnh hơn Boeing. Trên thị trường cổ phiếu, giá Airbus cũng tăng 31,35% từ đầu năm đến nay trong khi Boeing chỉ tăng 6,96%.
 Theo: Hoàng Nam
 Nguồn: Trí thức trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét